ĐỀN GIAO CÙ

Đền Giao Cù còn gọi là đền Đăng Long hay là đền thờ ông nghè Giao Cù ở thôn Giao Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực. Từ thành phố Nam Định, qua cầu Đò Quan khoảng 15km, đến đầu thôn Giao Cù rẽ phải khoảng 200m là đến đền Giao Cù.

Xưa kia, đền Giao Cù thờ thần thiên lôi tức thần sấm. Sau khi Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi qua đời, nhân dân địa phương đã lập bài vị thờ tại đền.

Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi tên thật là Vũ Ngọc Tuân sinh ngày 8 tháng 8 năm 1836 tại làng Giao Cù tổng Sa Lung huyện Nam Trực. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, cha là Vũ Ngọc Châu đã hai lần đi thi chỉ đỗ Tú tài nên còn gọi là kép Châu, dạy học ở quê nhà. Bà mẹ làm nghề dệt cửi và buôn bán vải. Ngay từ ngày còn nhỏ ông là người ham học và rất thông minh, tháo vát. Hơn l0 tuổi ông được mẹ gửi về quê ngoại học thêm cậu là Bùi Văn Đức và Bùi Mền Hoà đã từng đỗ ba khoa Tú tài. Sau này ông được Bà Cai Can là người họ cùng chi với cậu Bùi Văn Đức nhận về nuôi và cho học cụ Cử nhân Vũ Trọng Uy ở làng Bái Thượng. Một thời gian sau ông lại được gửi lên Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) để theo học cụ nghè Lý. Bà Cai Can nhà khá giả đã nuôi nấng, quý mến và sau còn gả người con gái lớn cho ông.

Bấy giờ, do quy định của triều đình nhà Nguyễn, người đi thi phải có chức từ phó lý trở lên mới được tham dự, Vũ Ngọc Tuân buộc phải lấy tên ông Vũ Hữu Lợi ở dòng họ Vũ chi dưới để đăng ký dự thi. Từ đó Vũ Hữu Lợi trở thành tên chính thức của ông. Khoa thi năm Ất Hợi (1875) ông đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ. Sau đó được bổ chức Quang lộc tự Thiếu khanh rồi thăng Tả lý bộ Binh. Năm 1881 ông được bổ làm Thượng biện tỉnh Nam Định.

Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta thì Vũ Hữu Lợi đã ngoài 20 tuổi và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các phong trào chống Pháp trong cả nước. Ông sớm nhận ra bản chất ươn hèn của một triều đình mục nát mà mình đang phục vụ. Ngày 27-3-1883 giặc Pháp đánh thành Nam Định lần thứ hai, Thượng biện Vũ Hữu Lợi lĩnh một đội quân đóng ở phía nam bến Đò Quan, trực tiếp cản giặc và tiêu hao sức chiến đấu của chúng. Trong khi đó Kinh Lược sử Nguyễn Chính đóng đại quân ở Đặng Xá cách thành Nam Định 6 cây số nhưng không tiếp viện, thành mất, y cho rút quân về Vụ Bản. Sau này những người dám đứng lên chiến đấu bảo vệ thành Nam Định đã lần lượt bị vua Tự Đức xét tội. Chán cảnh bất công của triều đình, Vũ Hữu Lợi bỏ quan về quê lập trường dạy học.

Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, các văn thân yêu nước đã liên tục tổ chức chiến đấu chống Pháp. Ngay tại quê nhà, Vũ Hữu Lợi chiêu mộ được gần 2.000 nghĩa binh, mở nhiều xưởng rèn, đúc vũ khí suốt ngày đêm. Ba gian nhà người cậu ruột Bùi Văn Đức trở thành cơ quan đầu não. Các sĩ phu yêu nước quanh vùng tự nguyện đến tham gia rất đông. Nghĩa quân chủ động tổ chức đánh địch nhiều trận. Có những lần ông đưa quân lên tận núi Gôi đón đánh địch.

Năm vua Đồng Khánh lên ngôi, triều đình lại bán nước một lần nữa, ra lệnh giải tán các đội quân Cần Vương chống Pháp. Đội quân của Vũ Hữu Lợi lúc này đang lâm vào tình trạng khó khăn, thiếu lương thực, căn cứ nằm ngay vùng đồng bằng và bị quan đầu tỉnh ráo riết bức bách. Tình thế này buộc ông phải công khai tuyên bố giải tán nghĩa quân nhưng thực ra đi sâu vào xây dựng lực lượng bí mật chống Pháp. Vũ Hữu Lợi cử ông Đốc Nhưỡng đi tham gia phong trào bãi sậy của Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên để học thêm kỹ thuật đánh du kích. Đồng thời ông còn cử em ruột là Vũ Ngọc Thịu với các ông ấm Đoan, Lê Xuân đưa một cánh quân nhỏ vào Thanh Hóa giúp Đinh Công Tráng xây dựng chiến lũy Ba Đình và học tập kế hoạch chiến đấu ở đây. Ông còn cử người đi học kỹ thuật đúc súng của phong trào khởi nghĩa Phan Đình Phùng.

Giặc Pháp đã sớm thấy sự nguy hiểm của Vũ Hữu Lợi đối với chính sách thống trị của chúng nên đã tìm mọi cách để dụ dỗ, mua chuộc ông nhưng không thành. Khi bị bắt ông không một lời van xin, không một lời khai báo trước kẻ thù. Sợ để lâu sinh biến, chúng vội vàng kết án tử hình ông và thi hành ngay vào buổi chiều 30 tết tại bến Đò Chè (Nam Định).

Tưởng nhớ Vũ Hữu Lợi, một con người hết lòng vì dân vì nước, dòng họ đã lập từ đường thờ phụng ông, quê hương đã lập đền thờ ông. Hơn một trăm năm nay đền Giao Cù vẫn ngày ngày hương khói thể hiện nghĩa tình và đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam.

Đền Giao Cù quay hướng tây, trên một khu đất rộng, phía trước có một ao nhỏ, bên phải là đường liên xã chạy qua. Bên ngoài cùng là hệ thống nghi môn với hàng cột đồng trụ soi bóng xuống mặt ao xanh mát.

Đền được xây theo kiểu chữ đinh. Từ phía ngoài nhìn vào trên nóc nhà tiền tế là hình ảnh “lưỡng long chầu nguyệt”. Hai bên hồi nhà tiền tế là hai cột đồng trụ xây ngay trước tường hồi. Lùi sang phía bên là cột đồng trụ nhỏ và thấp hơn. Khoảng cách giữa hai cột đồng trụ to và nhỏ tạo thành một miếu thờ, bên trong có tượng đắp bằng vôi vữa. Hệ thống vì kèo ở trước nhà tiền tế là một biến dạng của kiểu vì suốt giá chiêng trốn cột. Thay vào đó, để có đủ lực đỡ, cột quân phía ngoài cửa làm to bằng cột cái, giữa hàng cột này là hệ thống cửa ra vào. Bộ vì kèo đằng trước được kéo dài tạo thành hệ thống kẻ phối hợp với bẩy làm cho mái hiên rộng rãi và thoáng đãng. Tất cả hệ thống vì, kèo, cột, xà ngang, xà dọc đều được sơn son làm cho ngôi đền thêm rực rỡ.

Đền Giao Cù đã được bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử – văn hóa.

Theo: Di tích lịch sử – văn hóa tỉnh Nam Định